Vô Thường kiếm

 

Lan Vô Thường Kiếm: 
Đặc điểm và nguồn gốc của cây:

Trung Phạm là người đầu tiên xin được một khóm kiếm hoa vàng từ nhà người bác ở Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 2016. Về trồng xổ lại hoa khá đẹp và đăng lên hội kiếm vào giữa năm 2017. Sau đó trong năm 2017, Ngô Hiếu đến khu vực đó gom sưu tầm cây này trong dân. Lúc này có những bụi kiếm khủng đang trổ gần chục cần hoa mang những chùm hoa vàng khoe sắc rực rỡ. Bà con cho biết cây kiếm này mọi người hay tách cho tặng nhau là chính. Nguồn gốc do dân lấy về từ rừng Ba Tơ, Quảng Ngãi tầm chục năm trước.

Đến tháng 4/2018, Trung Phạm chính thức đặt tên cây lan kiếm này là Vô Thường. Và từ vườn của Ngô Hiếu, cây Vô Thường của quê hương Quảng Ngãi đã được chia sẻ cho các kiếm thủ trong cả nước.

Đặc điểm của lan Vô Thường Kiếm:

Vô thường Kiếm thuộc loài Kiếm Tiên Vũ (Cym. finlaysonianum). Với hoa dạng mắm cùng trụ nhụy trơn (biến thiên), cánh hoa vàng sáng. Đây là một dòng kiếm có thân thủ trung bình. Lá cứng, bản lá vừa phải (4-5cm đổ lại). Luyện rèn nhiều nắng lá kiếm sẽ ngắn lại cũng khá đẹp.

Vô Thường kiếm có đặc điểm sinh trưởng rất khỏe. Cây đẻ nhiều mầm con và rất sai hoa. Cần hoa xanh, thẳng, phân bố các hoa đều. Một cây kiếm loại này chăm tốt thì cần hoa có thể đạt 30 bông.

Khi nở hoa có mùi khá thơm và dịu. Cánh hoa vàng sáng, ba cánh đài hầu như sạch, hai cánh tràng còn vương màu mắm nơi gốc và chót cánh. Bông mới nở cánh khá to và bầu bĩnh, sau đó bể khuôn khá nhanh. Trụ nhụy gần như sạch. Lưỡi có mảng màu biến thiên. (Khác với lưỡi của Vị Hoàng có các chấm hoa văn đa dạng sắc thái). Điểm khác biệt dễ nhận biết của Vô Thường kiếm là trong họng lưỡi có 2 mắt chấm màu mắm.

Về độ ổn định và độ biến thiên của hoa: Mỗi lần nở có sự khác biệt nhất định về độ sạch của trụ nhụy và mảng màu lưỡi. Trụ nhụy có bông sạch hoàn toàn, có bông còn chấm nhỏ, có bông còn lem gốc. Mảng màu của lưỡi cũng biến thiên. Đa số có vệt bán nguyệt đầu lưỡi, nhưng cũng có bông lưỡi liền, có bông gần bệt

Đăng nhận xét

0 Nhận xét